Các tiêu chí xây dựng Nhà Thờ Công Giáo

Việc xây dựng Nhà Thờ Công Giáo luôn đặt ra những khó khăn và thách thức rất lớn, vì đây là nơi linh thiêng và đẹp đẽ nhất của Người Công Giáo chúng ta. Vì vậy khi xây dựng Nhà Thờ phải đạt những tiêu chí nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Tiêu chí I: Tạo một không gian phụng vụ thích hợp và thiêng thánh

Mọi nhà thờ đều cần phải có một không gian phụng vụ thích hợp và thiêng thánh vì nhà thờ là nhà cầu nguyện, là nơi để cử hành Hy lễ Tạ ơn và lưu giữ Mình Thánh Chúa (NTCH ch. 2, no. 3; DX 37).

Theo tinh thần của Giáo luật số 1214: “Danh từ nhà thờ được hiểu là một tòa nhà thánh dành riêng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, và mọi tín hữu có quyền đến đó để làm việc thờ phượng Chúa, nhất là phụng tự công”. Hơn hết, nhà thờ là nơi trao đổi giữa Thiên Chúa và Giáo hội trần thế. Nhà thờ mang một ý nghĩa huyền nhiệm và là biểu tượng của Thiên Chúa hiện diện giữa loài người, là hình ảnh của dân được cứu độ, là sự nhắc nhở của một lịch sử cứu độ, là sự tiên báo của một Giêrusalem thiên quốc, tắt một lời, là bí tích của tạo vật mới trong Chúa Kitô Phục sinh. Nhà thờ là một nơi thánh theo nghĩa: Thiên Chúa là Đấng Thánh dùng các bí tích để thánh hóa con người tại đó, để đến lượt họ, họ sẽ thánh hóa thế giới.
Tiêu chí xây dựng Nhà Thờ Công Giáo
Điều này dẫn tới tiêu chuẩn của một không gian phụng vụ thích hợp là: “…mang lại sự hiệp nhất thân tình và hài hòa, nhờ đó sự hiệp nhất của toàn thể dân thánh được tỏa sáng. Chất liệu và vẻ mỹ quan của nơi thánh và toàn thể vật dụng tạo thuận lợi cho lòng đạo đức và bày tỏ sự thánh thiện của các mầu nhiệm được cử hành” (QCSL 294; XD 50). Vì vậy, có những nơi, những yếu tố trong nhà thờ phải chiếm một vị thế ưu tiên hơn. Chẳng hạn như cung thánh với bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tọa; chỗ cho ca đoàn; phòng rửa tội với giếng rửa tội; nơi lưu giữ Thánh Thể (nhà tạm) phải được thiết kế và trang trí thế nào nhằm lôi kéo cộng đoàn chú ý hơn (NTCH, ch. 2, no. 3; XD 49).

Nhà thờ cũng không phải chỉ là một nơi cần thiết, thực dụng và thích hợp để cử hành các nghi lễ. Nhà thờ còn có chức năng củng cố tinh thần huynh đệ, thân mật và tôn trọng lẫn nhau, xây dựng sự hiệp nhất, tinh thần thán phục và hồi tâm, tinh thần vui tươi và tự do (DX 31). Mỗi người phải tự cảm thấy ở trong đó bản thân của mình rõ ràng hơn, đồng thời cũng thấy gần gũi anh chị em của mình hơn. Vì vậy, không gian thánh đường phải làm cho toàn thể cộng đoàn phụng tự thực sự trở thành một nhiệm thể, một cộng đồng phụng vụ duy nhất (XD 52) cũng như phải giúp các tín hữu tham dự vào phụng vụ “một cách trọn vẹn, ý thức và linh động” (PV 14).
Tiêu chí xây dựng Nhà Thờ Công Giáo - Linh Thiêng
Nhà thờ cần phải có một không gian phụng vụ thích hợp và thánh thiêng

Tất cả những điều vừa nêu dẫn tới việc thiết kế và xây dựng nhà thờ không nên giống như một nhà hát. Rất tiếc là nhiều thánh đường hiện nay được xây dựng theo phong cách đó. Thực sự, khán thính giả không có tương quan gì với nhau trong nhà hát. Họ chỉ chú ý tập trung vào màn hình hay sân khấu một cách thụ động và theo kiểu tiếp nhận. Nhà thờ không phải là nhà hát. Người tham dự phụng vụ không phải là khán thính giả và họ không cử hành phụng vụ cách đơn độc, chẳng liên hệ gì đến ai. Mục đích của nhà thờ là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hành động của Chúa Kitô diễn ra nơi cộng đoàn, tư tế, Lời và Thánh Thể cũng như “phải xứng hợp với việc chu toàn các hoạt động phụng vụ và giúp các tín hữu có thể tham dự một cách linh động” (PV 124) bằng cách hăng hái dự phần vào các câu tung hô, những lời đối đáp, những bài ca vịnh, tiền xướng, ca hát cũng như bằng các hành động, tư thế, cử điệu … (PV 30)  Cũng may là ngày nay không còn có hàng rào cho rước lễ trong nhà thờ nữa bởi vì chúng như thể chia thánh đường thành hai phần tách biệt: một dành cho các tín hữu ở phía sau của hàng rào hiệp lễ, và một dành cho tư tế và các thừa tác viên tại bàn thờ.1

Nhà thờ là nơi thánh, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa nên vị trí để xây dựng nhà thờ nên chọn ở những khu vực yên tĩnh hay nếu không được, thì ít là phải bố trí xây dựng thế nào cho mặt tiền nhà thờ đừng hướng trực tiếp ra phía đường phố lưu thông đầy xe cộ, hoặc nên cho trồng chung quanh nhà thờ những lùm cây um tùm, rậm rạp và cây cảnh để tạo bóng mát xen lẫn với những thảm cỏ, những hồ nước, hòn non bộ theo nghệ thuật vườn hoa Á Đông để nhà thờ có được bầu khí yên lặng, mát mẻ, dễ chịu hầu lôi kéo những ai mệt mỏi, ưu phiền hay bị xao động bởi cuộc sống quá ồn ào phức tạp tìm đến đây nghỉ ngơi và cầu nguyện giúp tâm hồn họ gặp được bình an, thư thái và dễ dàng hướng tâm hồn họ lên những thực tại trời cao (DX 32; 216).

Nhà thờ là nơi thiêng thánh để con người gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, trong bối cảnh con người hiện đại đã và đang bị xâm chiếm mạnh mẽ bởi chủ nghĩa thế tục khiến nhiều người có thể bị dẫn dụ tới chỗ dễ dàng loại bỏ Thiên Chúa bằng nhiều cách thức khác nhau cũng như “gặp khó khăn hơn rất nhiều để tĩnh tâm cầu nguyện và cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa” (Aimé-Georges Martimort),2 việc thiết kế, xây dựng và trang trí thánh đường cần “gợi lên sự ngạc nhiên về vẻ đẹp của nó nhưng cũng phải vượt qua nó để đến với Thiên Chúa vô hình” (DX 156), cần tạo ra một bầu khí thiêng thánh và nâng tâm hồn những người bước vào nhà thờ lên cao bằng những biện pháp kiến trúc như ánh sáng, màu sắc hay không gian, và đặc biệt là bằng chính những cái rất riêng của Công giáo được kế thừa qua dòng thời gian nhằm hoàn thành vai trò phản ánh vương quốc nước trời của thánh đường (PV 123).

Tiêu chí xây dựng Nhà Thờ Công Giáo - Không gian
Ở đây, chắc chắn không thể không nhắc tới quan điểm của nhà thần học đại kết Max Thurian được đăng trong L’ Osservatore Romano (21.7.1996) khi bàn đến các yếu tố của môi trường phụng vụ: “… toàn bộ nhà thờ nên được sắp xếp thế nào để mời gọi được người ta đến tôn thờ và chiêm ngắm Thiên Chúa ngay cả khi không có cử hành phụng vụ…Nhà thờ phải là nơi mà trong một thế giới không yên nghỉ này người ta có thể gặp gỡ được Thiên Chúa trong an bình”.

Còn theo lời của nhà thần học Paul Tillich: “Những nơi được cung hiến phải là nơi mà người ta cảm thấy có thể chiêm ngắm được sự thánh thiện ngay giữa cuộc sống trần thế của họ”.3

>> Xem tiếp Phần 2

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, dòng Thánh Thể (SSS)

Nguồn: theo cgvdt.vn

Tags:

©2023 Nhà Thờ Công Giáo Việt Nam

Mạng chia sẻ thông tin Nhà Thờ, lịch Thánh Lễ, Cộng đồng Công Giáo

Liên Hệ

Nếu bạn có bất cứ vấn đề gì xin để lại lời nhắn cho chúng tôi!

Sending

Đăng nhập với tài khoản

or    

Quên thông tin tài khoản?

Create Account